Những điều nhỏ từ cha mẹ cũng ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con cái.

Nhiều người trong chúng ta hiểu lầm về đức tính khiêm tốn, cho rằng việc ta nghĩ mình tài giỏi và tự hào về bản thân là biểu hiện thiếu khiêm tốn, vì thế mà ta thường nhún nhường cho rằng, “Tôi cũng còn nhiều điểm yếu kém lắm”. Cách nghĩ này có thể ảnh hưởng không tốt đến việc nuôi dạy con. Nếu ai đó khen ngợi đứa con gái giỏi giang của bạn thì bạn thường có phản ứng như thế nào? Ví dụ, nếu có người nói với bạn (trước mặt con bạn) rằng, “Tôi nghe nói con chị làm bài thi rất tốt, cháu chắc hẳn phải thông minh, chăm chỉ lắm nhỉ?”, bạn sẽ trả lời ra sao?

Để tôi nói cho bạn một phát hiện nhé: các bậc phụ huynh người phương Tây có khuynh hướng trả lời như sau: “Vâng … con tôi chăm học lắm” hay “Cám ơn có lời khen, quả thật cháu có nhiều thành tích tốt”. Một trong những điều có thể nâng cao lòng tự trọng của trẻ em là khi chúng được người khác khen ngợi hay công nhận, nhất là trước mặt cha mẹ mình.

Đón nhận lời khen của người khác, cha mẹ càng góp phần củng cố điều đó. Trong khi ấy, nhiều bậc cha mẹ Châu Á vì tính khiêm nhường kiểu Á Đông mà thường có thói quen bác bỏ lời khen hay chỉ những điểm thiếu hụt của con mình, “Có gì đâu! Nó cũng học thường thôi mà”, “Chắc là do may mắn thôi!”, “Chó ngáp phải ruồi ấy mà, chứ nó học hành cũng chểnh mảng lắm”. Tại sao lại có những cách phản ứng khác nhau giữa hai dạng cha mẹ kể trên thì chắc bạn cũng đã rõ. Văn hóa Á Đông chú trọng vào sự khiêm nhu, khiến mỗi cá nhân lẫn đi trong đám đông.

Nhiều bậc cha mẹ đề cao đức khiêm tốn và tin rằng khen ngợi con cái sẽ khiến chúng đâm ra kiêu căng. Cách nghĩ này lợi đâu chưa thấy nhưng dẫn đến hiện tượng nhiều người trẻ tuổi ngày nay mang mặc cảm thấp kém, không có được tư thế thoải mái tự nhiên khi nói về những điểm mạnh cũng như khả năng của mình trước mặt người khác. Trong môi trường học tập và làm việc toàn cầu hóa với tính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, những bạn trẻ thiếu tự tin và không biết cách tiếp thị bản thân trước khách hàng, các ông chủ hay trong các cuộc phỏng vấn vào các trường đại học danh tiếng sẽ chịu nhiều thua thiệt.

Và đây là một tình huống khác, bạn hãy tưởng tượng đứa con trai lên hai lên ba của mình lon ton chạy đến chân cầu thang toan leo lên, phản ứng thông thường của bạn là gì? Nhiều bậc phụ huynh Châu Á (những người có khuynh hướng bảo bọc con thái quá) sẽ cuống quýt la lên “Đi xuống ngay! Con muốn té à?”, “Lộn cổ xuống đất bây giờ”. Mặc dù cha mẹ phải bảo đảm an toàn cho con cái và dạy chúng biết cách tự bảo vệ mình, những phản ứng như vậy chỉ làm xói mòn lòng tự tin nơi trẻ và truyền cho chúng nỗi sợ hãi trong tiềm thức mỗi khi chúng làm việc gì mới mẻ hay phải đối diện với thử thách. Bằng việc thường xuyên nhắc nhở rằng chúng sẽ té ngã nếu trèo cầu thang, chúng ta thật sự đang lập trình suy nghĩ cho trẻ rằng chúng sẽ “té nhào” nếu chúng muốn leo lên các bậc thang trong cuộc sống. Trong khi ấy, một số cha mẹ (nhất là theo cách nghĩ phương Tây) sẽ có cách phản ứng hoàn toàn khác. Họ sẽ bảo, “Được rồi con trai, con có thể làm được. Cứ tiếp tục đi!”. Đồng thời, để bảo đảm an toàn họ sẽ đi theo sau canh chừng con.

 

 

More Articles for You

Giới thiệu về bảo vệ môi trường

Giới thiệu về bảo vệ môi trường Bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta …

Giới thiệu về bảo vệ môi trường

Giới thiệu về bảo vệ môi trường Bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta …